Thu Trắng và sự yên bình - TS Kiều Tiến Dũng


Thu Trắng, một cái tên rất lạ, một mùa Thu có màu của Tuyết hay mùa Thu nhuộm hồn Trắng?

 

Hồn màu trắng

Miệng màu chát

Tim màu đắng

Tôi màu khát!

(SẮC TÔI)

 

Màu Trắng tinh khiết của mùa Thu, như pha lê lóng lánh sự trong lành, nhưng những vần thơ của tác giả lại mang nhiều dấu vết; dấu vết của niềm đau, của tê tái...

 

Bé thơ xưa không còn thiếu nữ

Bỏ ước mơ đời, bỏ tiệc vui

Bỏ thiên thai, nán lại ngậm ngùi

Chôn kiếp đời phù du mộng dữ

 

Cô bé xưa giờ là thiếu phụ

Gánh nỗi sầu oằn cả hai vai

Chất đau thương chết lịm một đời

Hồn ngây dại, thân chìm trong tê tái

(KHOẢNG XÁM)

 

Từ cái tên Thu Tuyết đã hàm chứa nhiều nghịch lý. Phải chăng vì thế mà tác giả đã mang theo cuộc đời mình nhiều mâu thuẫn nội tại. Một ví dụ: muốn quên đi quá khứ nhưng lại tiếc nuối phần đời đã vơi:

 

Ta đem một cuộc đời

Chôn vào mồ quên lãng

Đem cả linh hồn cạn

Nhốt địa ngục trần gian

 

Ta thảng thốt rã rời

Khi hoàng hôn chợt tới

Bóng cô đơn vội vã

Dáng cuộc đời đã vơi

(TAN)

 

Đến rồi đi. Cuộc đời là những mất mát, là những toan tính vụng về, nhưng Thu Tuyết đã ở lại với cõi đời để tìm kiếm những an lành từ giữa mênh mông trần trụi:

 

Đến chiều ngồi đếm

Cân lại chút tình

Được bao nhiêu ký

Cho lòng ủi an

(MỘT SÁNG KHÔNG QUEN)

 

 

Vẫn biết kiếp người như bóng mây, thoảng qua rồi mất hút. Nó xa xăm, mịt mờ; có ôm chặt vào lòng cũng chỉ là hư ảo:

 

Tiếng gì xa lắm như vô thanh

Bóng gì xa lắm như vô hình

Tình gì xa lắm như vô tưởng

Thanh tưởng hình, xoá trắng một sinh linh

(VÔ)

 

Nhưng sao ta vẫn mãi tính toan, để sau cuối chỉ mong rằng:

 

Ba hai một... khi nấm mồ khép lại

Cỏ xanh xao, đông lạnh thu tàn

Rồi xuân đến, mặt trời trên đỉnh tháp

Uống chút tình cạn chén với nhân gian

(ĐẾM)

 

Dòng đời cứ thản nhiên trôi; không gian, sắc màu... luôn biến dịch. Trong tận cùng nỗi đau, Thu Tuyết vẫn nhẹ nhàng bước tới như một cuộc dạo chơi quanh đời:

 

Không có nhau cuộc đời vẫn hát

Cây vẫn đâm chồi, lá vẫn xanh

Hoa vẫn ngát hương bướm vàng đỏng đảnh

Gió thổi hương xa một sớm yên lành

…..

Anh cứ đi mây chiều vẫn xám

Dòng sông xưa, bóng cũng phai rồi!

(VẮNG)

 

Trong cái chung có cái riêng, vừa mâu thuẫn vừa hợp lý. Mặc dầu trong mùa Thu có Tuyết, nhưng nó mang lại một cái đẹp với sắc thái rất riêng:

 

Chờ Thu, em chờ Thu đến

Hát với nhau khúc yêu thương

Tuyết trắng giao mùa còn vướng

Chút Thu vàng, đông gía băng

(GIAO MÙA)

 

Chính những đối nghịch, những mâu thuẫn này là động cơ cho mọi vận hành của vũ trụ. Nó cũng đã giúp cho tác giả phát triển phần tư duy phức tạp của riêng mình:

 

Khuya vắng, tiếng đồng hồ lê thê, khóc đẫm

Gắn vào tim, xuyên qua óc, tích tắc rơi!

Đêm tĩnh mịch, tim rã rời, tích tắc

Tích tắc ơi! tim đã chết tự hôm rồi...

 

Tim đã chết thôi không còn nhịp

Máu đã khô đông cứng vết tình

Tích tắc, đời tan, đêm tĩnh mịch

Tĩnh mịch ơi, Thu không Trắng. Nụ cười!

(TÍCH TẮC KHUYA RƠI!)

 

Theo tôi, màu trắng là màu tổng hợp của tất cả các màu, nhưng nó cũng là màu của hư không, một tất cả trong hư không:

 

Chờ em, anh chờ em nhé

Em vô tình vẽ một đường cong

Nét bút ngoằn ngoèo, đường cong không khép

Mải miết một đời, đuổi bắt hư không

(ĐƯỜNG CONG MỞ)

 

Những thăng trầm trong cuộc sống cho ta nhiều trải nghiệm để cảm được giá trị của sự bình yên. Và “Thu Trắng” đang trên con đường đến với yên bình:

 

Không còn sớm mai nhuộm hoàng hôn tím

Không còn trưa buồn chỉ có mùa thu

Không còn chồi non một màu cỏ úa

Và không còn chiều trời đất hoang vu

 

Bình yên trong nắng sớm, bình yên lúc mưa chiều

Bình yên trên giông tố, bình yên lúc tả tơi

Bình yên soi đời đắng, bình yên nuốt rã rời

Bình yên rớt nhẹ, ôm đời bình yên

(BÌNH YÊN)

 

Xuyên suốt quá trình đọc Thu Trắng 2, Tôi thấy rằng, Thu Tuyết đã đi qua chặng đường phong ba bão tố để góp nhặt cho mình một chút tinh hoa sau cuối: đó là sự yên bình trong tâm hồn. Và tôi cũng mong rằng người đọc sẽ tìm được một chút của chính mình qua những vần thơ của Thu Trắng 2.

 

Kiều Tiến Dũng

Mùa Đông 2016 Melbourne, Úc Châu