Tôi không muốn nhớ Tập thơ Thu trắng 1 của Thu Tuyết được in cách đây bao lâu, và cũng không muốn lấy thước đo thời gian để tính khoảng cách cho sự ra đời của một tập thơ. Bởi lẽ, thơ là cảm hứng, là cảm xúc bật lên trong khoảnh khắc và người làm thơ ghi chép nó ở mặt sau của một tấm gương sáng tạo mà mặt trước của tấm gương kia là những khoảng lặng không mùa. Hay với Thu Tuyết, chỉ có mỗi một mùa thu bất tận không đến cũng không đi, nó ẩn sâu vào tiềm thức. Ở đó, chỉ mỗi một mùa Thu Trắng, là thế giới của người phụ nữ với tâm hồn cô độc ngay chính trên những trang viết mỗi ngày của mình, dù Thu Tuyết ở đâu, trên quê hương là Sài Gòn, hay Melbourne của nước Úc xa xôi...
Là người được đọc Tập thơ Thu trắng 1 và Thu trắng 2 từ lúc nó còn ở dạng bản thảo, tôi có nhận xét rất rõ là Thu Tuyết đã khắc họa trong thơ mình bằng thứ ngôn ngữ và hình ảnh chân thực nhất và mỗi tập thơ khi ra đời đều để lại dấu ấn rất riêng cho tác giả và cho người đọc. Thu Tuyết vốn đã rất khiêm tốn tự nhận mình chỉ là “Một nhà giáo thích làm thơ”, có nghĩa là, Thu Tuyết đến với thơ như một cuộc dạo chơi, một trận vui đùa với hình ảnh và chữ nghĩa mà người phụ nữ đã từng là nhà giáo mở cửa lớp học bước ra ngắm nhìn thế giới ngoài cổng trường với cảm xúc của người đàn bà cô đơn để độc thoại bằng thơ trước cuộc đời. Tuy nhiên, bắt đầu từ “Cô giáo thích làm thơ”, Thu Tuyết đã trở thành một nhà thơ và cho ra đời 2 tập thơ khá đầy đặn.
Hầu hết những bài thơ Thu Tuyết tập hợp lại để thành một Thu trắng 2, tôi thấy những sáng tác này đều có ghi chú phía dưới là Melbourne, một thành phố của nước Úc, nơi mà Thu Tuyết có việc phải dịch chuyển qua thời gian và không gian, tạm làm người xa xứ qua những lần đi, về. Phần còn lại là những bài thơ chị làm ở Sài Gòn, nơi không phải Thu Tuyết sinh ra và lớn lên, nhưng lại là nơi Thu Tuyết sinh sống, một nơi đong đầy hơn nửa cuộc đời: hạnh phúc, đau khổ, buồn vui, trải nghiệm lên những chông gai và bước qua tro than của kỷ niệm, đủ để cô độc, và đủ để làm thơ, những bài thơ mang dấu ấn của chính Thu Tuyết.
Nhưng cuộc đời, dường như tất cả giống nhau, với những bóng dáng của khổ đau, hạnh phúc, buồn vui… đó là những thứ làm nên đời sống này. Điểm đặc biệt ở Thu Tuyết cho dẫu đi đâu, dù thế nào, bóng dáng quê hương và vầng trăng thơ ấu vẫn luôn là hình ảnh được khắc hoạ trong sáng tác của chị rất rõ nét:
TRĂNG QUÊ
Tôi thèm ánh trăng quê
Dưới trời đêm bát ngát
Hương cau thơm ngào ngạt
Ngất ngây con đường làng
Tôi nhớ ánh trăng quê
Đêm xưa nơi nhà ngoại
Trên cánh đồng huyền thoại
Trăng nhuộm cả lúa vàng
Tôi yêu ánh trăng quê
Yêu luỹ tre hát khẽ
Mỗi độ có trăng về
Bài ca đêm trăng lẻ
Tôi buồn thiếu trăng quê
Thiếu bóng trăng huyền thoại
Thiếu đêm xưa nhà ngoại
Hồn quê, ánh trăng đâu?
Melbourne, 01/05/2016 (Trích Thu Trắng 2)
Trong vệt dài nỗi nhớ của người xa xứ khi hồi tưởng đến hình bóng đã mất theo thời gian, theo tháng năm đẹp nhất của đời người, với Thu Tuyết đâu chỉ vì ánh trăng treo nơi xa xứ làm chị chạnh nhớ quay quắt ánh trăng quê nhà, mà còn nhiều thứ lắm. Bóng dáng của những bà mẹ quê tảo tần hôm sớm, có cánh diều bay nghiêng nghiêng trên vòm trời chiều, có con đường làng sương ướt tái hiện hình ảnh người mẹ quê ra đồng “như gánh cả mùa thu” trên đôi vai tần tảo chất cả nỗi niềm, có một hiên nhà xưa “quanh năm gió gọi” và tiếng “túc túc của đàn bồ câu” xuống sân nhà nhặt thóc. Sau hết, là hình ảnh của một cô bé, của tuổi thơ sống lại với ký ức nồng nàn, đẹp như một bức tranh. Thơ của Thu Tuyết giống như những dòng nhật ký, đầy hình ảnh và màu sắc không chỉ giàu chất thơ mà còn có cả nhạc cảm.
TÔI NHỚ
Tôi nhớ, ngày hạ dài mẹ qua cầu gánh nắng
Trời nghiêng nghiêng cong vành nón mong manh
Giọt mồ hôi mằn mặn chát quai lành
Bóng mẹ hắt giòng sông con nước lặng
Tôi nhớ, buổi chiều vàng cánh diều treo lơ lửng
Sáo vi vu, ru hát khúc thanh bình
Lũ trẻ con theo gió chiều đạp nắng
Bầu trời thơ, thả sợi nắng lung linh
Tôi nhớ, một sáng thu con đường làng sương ướt
Mẹ ra đồng mờ bóng dưới sương thu
Bờ vai nghiêng trĩu nặng chất nỗi niềm
Gánh tất tả mùa thu, hàng liễu rũ
Tôi nhớ, hiên nhà xưa, quanh năm gió gọi
Đàn bồ câu túc túc chạy quanh sân
Ba tôi vốc đầy tay một nắm thóc
Vung nhẹ nhàng cho hạt rớt long lanh
Và tôi nhớ, tôi không còn cô bé
Để gió chiều mơn trớn lọn tóc thưa
Cô bé ơi, bây giờ xa lắm
Cả bầu trời, tôi muốn đổi một ngày xưa...
Sydney, 25/4/2016 (Trích Thu trắng 2)
Đọc hết tập thơ Thu trắng 2, tôi càng có cảm nhận Thu Tuyết là người viết nhật ký bằng thơ, bởi một điều dễ nhận thấy nhất tuy thời gian và địa điểm hình thành nên những cảm xúc thơ của Thu Tuyết có khác nhau, nhưng chủ đề vẫn đi liền một mạch. Tôi có thể dẫn ra đây những bài thơ trong cái mạch cảm xúc tuôn trào đó và theo tôi đây là những bài nổi bật trong tập thơ Thu trắng 2. Đó là những bài “Tích tắc khuya rơi”, “Quên”, “Hoài niệm”, “Ngày về”, “Lang thang chiều”…
Nếu Thu trắng 1, Thu Tuyết chỉ dàn trải cảm xúc theo lộ trình của người lữ hành đi qua những giấc mơ để tái hiện kỷ niệm thì Thu trắng 2, chị không chỉ là người lữ hành ngược về hồi ức để sống lại bằng trái tim mãnh liệt với những bóng dáng đã mất theo thời gian, mà trong cảm xúc dạt dào đó, ngôn ngữ thơ của Thu Tuyết như được thăng hoa hơn, giàu hình ảnh, màu sắc hơn và cũng kỹ thuật hơn, đặc biệt, thỉnh thoảng có bài cũng triết lý hơn. Ví dụ như bài thơ xuôi:
Ở TRỌ
Tôi ở trọ trong căn nhà bên ngọn đồi có màu xanh của mùa xuân, vàng vào hạ và tím hoàng hôn khi đông về
Tôi ở trọ trong khu vườn có hoa và nắng tràn ngập lối đi, len vào từng viên sỏi, từng chiếc lá non khi xuân đến
Tôi ở trọ trong căn phòng lạnh ngắt với nụ hồng trắng còn chút sương đêm ướt mềm như môi cô gái chiều qua trên lối nhỏ rẽ vào đời
Và tôi ở trọ trên mảnh đất màu mỡ phì nhiêu ướt đẫm nền văn minh của nhân loại, để thấm thía những ray rức về một góc nhỏ xa xôi có mảnh vườn lộng gió với bà mẹ quê lom khom trong chiều nắng nhạt
Tôi ở trọ trong tôi, tư duy là chiếc gối còn thoảng chút hương của tóc, hơi thở là chiếc giường êm nồng nàn giấc ngủ, để mộng mị trôi về như tấm chăn sưởi ấm linh hồn chìm trong rừng Tuyết mùa Thu
Và tôi ơi, cuộc đời này cũng chỉ là nơi tôi trọ! Vậy mà cứ mãi đi tìm trong hư không bến bờ hạnh phúc. Nó ở đâu trong cái hố sâu mênh mông không đáy cùng với đớn đau mà loài người sáng tạo, để ban tặng cho nhau như một món quà trần thế
Cõi tạm là đây, vô thường là đây. Sao ta cứ mãi đắm chìm vào những đam mê mùi trần tục, cứ sát phạt, giẫm đạp lên nhau rỗi giãy chết như con giun oằn lưng quằn quại trước khi lìa đời
Ta cứ vun vén từng xu và gom góp hão huyền
Mặc cho đồng loại ngoài kia với nhiễu nhương
Mặc kệ cuộc đời...
Ở trọ mà, tôi ơi!
Melbourne, 2010 (Trích Thu trắng 2)
Khép lại Tập thơ Thu trắng 2 của Thu Tuyết, tôi có một tâm trạng khá ngạc nhiên với sự tiến bộ của “Một nhà giáo thích làm thơ”, cách mà Thu Tuyết ví von về mình. Bởi lẽ, thơ của Thu Tuyết đã không còn ở dạng “quặng thô” mới khai thác bằng cảm xúc chân thật của một người thích làm thơ mà ngôn ngữ thơ của chị đã được trau chuốc, làm mới và sáng tạo hơn, mạnh dạn hơn trong cách dùng từ. Và đây cũng là nhận xét cuối cùng: làm thơ đối với tôi không hề là điều dễ dàng, mặc dù ngày càng có nhiều người làm thơ thậm chí ở Việt Nam ra ngõ là gặp nhà thơ, nhưng Thu Tuyết cho thấy chị là một người làm thơ bằng cảm xúc, rung động thật sự chứ không làm dáng ngôn ngữ để huyễn hoặc mình thành nhà thơ. Và điều này nữa: làm thơ có vần đã khó, làm thơ tự do khó hơn, làm được thơ xuôi lại càng khó. Bài thơ xuôi “Ở trọ” của Thu Tuyết khiến tôi thêm tin tưởng ở chị: Thu Tuyết không phải là một nhà giáo thích làm thơ mà chị là nhà thơ đích thực.
TỪ KẾ TƯỜNG