THU TUYẾT, HƯỚNG VỀ QUÊ HƯƠNG VÀ NỖI ĐAU NHÂN THẾ
Song Ninh
Tấm lòng luôn hướng về quê hương, tình yêu rộng mở với nỗi đau nhân thế đã làm nên chất giọng riêng của thơ và văn chương Thu Tuyết.
Đêm nhạc Thu Trắng 4 đã được tổ chức tại Melbourne (Úc) vào đầu tháng 7 năm nay. Đến đêm 22/7, Thu Trắng 4 đã diễn ra tại trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM số 81 Trần Quốc Thảo, Q3. Rồi chỉ một tuần lễ sau đó đêm nhạc và giao lưu tác giả Thu Trắng 4 được diễn ra tại quê nhà Phú Yên, nơi mà chị “từng trốn mẹ đi hái trái chim chim múi dẻ trên bờ rào nhà hàng xóm, với đôi chân trần nhảy lò cò trên nền đất bụi khô và giành nhau cây cà rem vào một trưa hè nắng chảy...”(Tâm tình tác giả trong đêm ra mắt tại Phú Yên)
Đêm nhạc và giao lưu với chị Thu Tuyết trong Thu Trắng 4, nhằm giới thiệu album nhạc Thu Trắng 4 – những tình khúc phổ thơ Thu Tuyết, Phương Nam Phim phát hành. Ngoài ra đây cũng là buổi ra mắt 3 đầu sách của tác giả Thu Tuyết gồm: Thu Trắng 4, thơ - nhạc Thu Tuyết (NXB Hội Nhà Văn), Trôi theo dòng thời gian (tùy bút, NXB Hội Nhà Văn) và Những bức thư tình thời @ (tản văn, NXB Hội Nhà Văn), nhà sách Phương Nam và Fahasa phát hành
Thu Tuyết sinh tại Phú Yên, sống và làm việc tại TPHCM từ những năm 1980. Chị từng là giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing TPHCM. Hiện định cư, sinh sống ở Úc nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản và đã phát hành:
- Album: 5 album nhạc Thu Trắng 1,2,3,4 và 1 DVD trong Thu trắng 3.
- Sách: 4 tác phẩm Thơ - nhạc Thu Trắng 1,2,3,4 (NXB Hội nhà văn - 2014, 2016, 2019 và 2023)
Bên cạnh đó, chị còn có tùy bút Trôi theo dòng thời gian (NXB Hội Nhà Văn -2023), tản văn Những bức thư tình thời @ (NXB Hội Nhà Văn – 2023, và cùng in chung 10 tác phẩm với nhiều tác giả trong các tuyển tập.
Giọng thơ đầy ắp tình tự quê hương nên thơ Thu Tuyết đã “lọt vào mắt xanh” của nhiều nhạc sĩ phổ thơ chị như: Phú Quang, Quốc Dũng, Duy Cường, Kim Tuấn, Tùng Châu, Vũ Hoàng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên, Quốc Bảo… Đặc biệt, không ít bài thơ của Thu Tuyết được nhiều nhạc sĩ cùng phổ nhạc như bài Gối Mây (NS Trần Ngọc Hòa, Đoàn Hải, Eric Lê Phúc, Trần Việt Cường, Nhật Kim), hay bài Hiu Hắt Thu (NS Trần Việt Cường, Trần Ngọc Hòa, Nguyễn Cửu Dũng cùng phổ)…
Từ năm 2016, mối duyên thơ nhạc giữa nhà thơ Thu Tuyết với nhạc sĩ Trần Quang Lộc (tác giả các ca khúc nổi tiếng Về đây nghe em, Có phải em mùa thu Hà Nội...) trở nên đặc biệt. Trước khi qua đời vào tháng 6/2020 NS Trần Quang Lộc đã kịp phổ 8 bài thơ của Thu Tuyết thành các ca khúc. Trong album Thu Trắng 4 vừa ra mắt gồm 10 tình khúc phổ thơ Thu Tuyết thì có đến 8 ca khúc của NS Trần Quang Lộc! Đây cũng là cách mà nhà thơ Thu Tuyết bày tỏ lòng tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa này.
Vì sao thơ Thu Tuyết dễ “lọt vào mắt xanh” của nhiều nhạc sĩ? Không khó để tìm ra câu trả lời khi đọc những bài thơ của nhà thơ viễn xứ này. Người đọc dễ dàng nhận ra những hình ảnh chân quê, tình yêu quê hương nồng nàn, chan chứa:
Gió đưa ngọn chuối lao xao
Quê hương sâu kín ngày nao tràn về…
(Melbourne, 6/2019 – bài thơ Đếm Hư Không)
Người thơ tha hương vẫn in đậm trong tim mình những nét quê chân tình:
Chim trời cá nước người dưng
Ta về tìm lại lưng chừng tuổi thơ
Hoa cau rụng xuống bờ đê
Có con chim nhỏ ngô nghê mắt nhìn
(Melbourne, 5/2020 – bài thơ Cõi Lặng)
Hay nói về Mẹ đầy cảm xúc:
“Tôi nhớ ngày hạ dài mẹ qua cầu gánh nắng
Trời nghiêng nghiêng cong vành nón mong manh
Giọt mồ hôi mằn mặn chát quai mềm
Bóng mẹ hắt dòng sông con nước lạnh
…
Tôi nhớ một sớm mai con đường làng trơn ướt
Mẹ ra đồng mờ bóng dưới sương thu
Bờ vai nghiêng trĩu nặng chất nỗi niềm
Gánh tất tả mùa thu hàng liễu rũ
…
Và tôi nhớ tôi không còn cô bé
Để gió chiều mơn trớn lọn tóc thưa
Cô bé ơi, bây giờ xa lắm!
Cả bầu trời tôi muốn đổi một ngày xưa”
(Sydney, 2016 – bài thơ Tôi nhớ)
Hãy lắng nghe nhà thơ Thu Tuyết bày tỏ thật xúc động về “món nợ ân tình” với nhạc sĩ Trần Quang Lộc: “Điều làm cho tôi ray rứt là như nợ anh một món nợ ân tình không sao trả được. Đó là khi anh nhận tập thơ của tôi (theo lời đề nghị của anh), khi mà anh chỉ còn một con mắt, con mắt kia đã bị ung thư tàn phá. Trong cơn đau vật vã của những ngày cuối đời, anh đã cố đọc, đọc để chọn 4 bài thơ phổ nhạc. Rồi nhờ người hát demo và hòa âm phối khí cho 2 bài cuối cùng trước khi anh không còn tỉnh táo nữa!” (Tôi còn nợ anh trong tập tản văn Trôi Theo Dòng Thời Gian, NXB HNV, 2023). Thật hiếm có nhà thơ và nhạc sĩ hiểu nhau đến từng “hơi thở” như vậy!
Với 80 tản văn, tùy bút ngắn của tập sách Trôi Theo Dòng Thời Gian, tác giả Thu Tuyết đã dựng lên trước mắt người đọc một bức tranh đa sắc đa diện như bản chất vốn có của thời gian: Nó mang lại tất cả nhưng cũng hủy hoại tất cả! “Trôi Theo Dòng Thời Gian là một bước ngoặt cho tôi tập tễnh đi vào con đường 'văn chương' mà không bị trói buộc ý tưởng vào những con chữ ít ỏi, những khuôn mẫu hay một lối mòn đã được định sẵn. Đây là cách mà tôi yêu thích, bởi tôi như chú chim non nhảy múa tự do trong vòm trời ngập nắng để hát khúc hoan ca cho đời, cho người, cho mọi yêu thương mà tôi muốn trao tặng…
Và sau tất cả, Trôi Theo Dòng Thời Gian được xem như nhật ký của một chặng đường với những buồn vui mưa nắng, những cảm nhận và trải nghiệm của riêng tôi. Nó nổi trôi theo thời gian và được lưu lại bằng những dòng chữ đơn sơ có thể chưa đủ để làm hài lòng bạn đọc, nhưng đó là tấm lòng và sự sẻ chia. Nó như một bông hoa dại nhỏ giữa cánh đồng hoang vào mùa xuân, góp một chút hương theo gió rồi tan loãng vào thinh không”, nhà thơ tâm tình trong tập sách.
Bên cạnh thơ, viết ngắn cũng là thế mạnh của nữ văn sĩ. Ngay giữa khi cơn đại dịch Covid càn quét qua hành tinh xanh của chúng ta, để lại biết bao khổ đau bi thảm cho nhân loại thì Thu Tuyết vẫn không “bó tay” mà viết một mạch 23 bức “thư tình” để rồi tập hợp lại và in thành tập tản văn Những bức thư tình thời @ (NXB Hội Nhà Văn, 2023). Thật ra, “những bức thư tình” này Thu Tuyết không gửi cho một người yêu cụ thể nào, tác giả gửi cho mọi người, trong đó có chúng ta: “Chưa bao giờ loài người là tù nhân của ý thức như hôm nay. Chỉ có ý thức mới cứu được chính chúng ta và giúp những người đang đương đầu với thảm trạng của đại dịch trong các phòng cấp cứu ở các bệnh viện; để không còn những cái chết tức tưởi như bác sĩ Lorna!” (trích Bức Thư Tình Thứ 10).
Khi đọc đến cuối cuốn sách chúng ta nhớ lại lời tựa của GS-TS Nguyễn Đăng Hưng viết ở đầu sách: “Xếp lại tác phẩm ngắn của Thu Tuyết tôi có cảm giác đây chỉ là phần mở đầu cho những trang sách đang thành hình! Tôi mong sẽ có một ngày đọc được những tác phẩm lớn hơn của Thu Tuyết”.
Dù là thơ, tản văn hay tùy bút…, Thu Tuyết đã cho thấy bút lực của một tác giả đang đặt để từng bước chân trên con đường văn chương thênh thang phía trước.